Thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế tại Việt Nam

Để thực hiện mục tiêu tất cả chất thải lỏng của bệnh viện (BV) khi xả thải ra ngoài đều phải qua xử lý, Bộ Y tế đề xuất thuê dịch vụ từ bên ngoài bệnh viện để xử lý loại chất thải này.

Hệ thống xử lý nước thải Y tế xây dựng BTCT)

Chi phí xử lý nước thải được tính vào giá khám chữa bệnh

Tại hội thảo góp ý cơ chế thuê dịch vụ xử lý chất thải y tế, do Bộ Y tế tổ chức ngày 30/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện cả nước có 13.000 cơ sở y tế. Trong số đó có khoảng 60% cơ sở đã có hệ thống xử lý chất thải y tế bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, 40% còn lại vẫn chưa đạt chuẩn.

Nguyên nhân của thực trạng trên, ngoài lý do kinh phí đầu tư lớn, còn do ý thức, trách nhiệm của không ít lãnh đạo BV chưa cao, chưa quan tâm đúng mức tới việc xử lý chất thải y tế, vì thế chưa chủ động huy động các nguồn lực xã hội cùng tham gia vào công tác này.

Với mục tiêu đến năm 2020 tất cả các cơ sở y tế ở các tuyến thực hiện xử lý chất thải y tế bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo Quyết định về thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế trong các BV công lập trên nguyên tắc huy động nguồn lực vào quản lý và xử lý chất thải y tế. Dự thảo này đang lấy ý kiến đóng góp từ các bộ, ngành, các đơn vị liên quan trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.

Theo dự thảo Quyết định, các BV công lập sẽ được phép thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế theo nhiều hình thức (phân theo 3 nhóm BV) bảo đảm yêu cầu về chất lượng dịch vụ, nước thải đầu ra sau xử lý phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.

Kinh phí chi trả thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế tại các BV công tự chủ sẽ do BV tự chi trả và được tính vào giá dịch vụ khám chữa bệnh. Với các BV chưa tự chủ được sẽ do ngân sách và nguồn kinh phí khác chi trả.

Hoạt động thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế sẽ chịu sự giám sát, theo dõi, kiểm tra, đánh giá định kỳ của cơ quan quản lý chuyên ngành về bảo vệ môi trường y tế và các cơ quan liên quan thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố.

Hệ thống xử lý nước thải Y tế bằng bồn Composite 

Không quy định cứng về khung giá dịch vụ

Tại hội thảo, đa số các BV đều thống nhất là cần ban hành Quyết định này.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn BV Bạch Mai cho biết, áp dụng hình thức xử lý nước thải theo mô hình như hiện nay có rất nhiều bất cập. Thứ nhất là Nhà nước không đủ nguồn lực đầu tư. Thứ hai là khi được đầu tư nhưng BV lại không đủ nhân lực để vận hành, quản lý vận hành. Để khắc phục thực trạng này, với các BV đã được Nhà nước đầu tư thì nhất thiết phải thuê dịch vụ để vận hành, hoàn thiện vận hành, còn chưa có thì thuê toàn bộ. Phải làm đúng quy định và bảo đảm môi trường như doanh nghiệp.

Ông Nghiêm Trần Dũng, Phó Giám đốc BV Hữu Nghị cũng cho biết, hiện công tác vệ sinh môi trường BV, xử lý rác thải nước thải là rất quan trọng, nhưng lại không nằm trong phạm vi chuyên môn của BV, nên rất khó thực hiện. Vấn đề là chi phí vận hành, con người vận hành và tổ chức vận hành như thế nào. Vì vậy, nếu Quyết định này được ban hành sẽ khắc phục được nhiều khó khăn.

“Tuy nhiên, có BV sẽ chỉ thuê vận hành xử lý đầu ra, mà không thuê toàn bộ. Việc quan trắc, đánh giá kết quả cũng có thể thuê một đơn vị khác, hoặc BV tự đánh giá… vì vậy cần có cơ chế phù hợp với khối BV”, ông Dũng góp ý.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, nếu BV đủ năng lực thì tự giám sát, không đủ năng lực thì thuê giám sát; giá cả sẽ theo cơ chế thị trường, tùy thuộc vào từng mức độ đầu tư. Vì vậy, Quyết định sẽ không quy định cứng về khung giá để tạo điều kiện cho các BV dễ thực hiện.

Bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết, ở nước ta hiện nay, tỷ lệ chất thải rắn y tế nguy hại được xử lý đã đạt 97% tại các BV tuyến Trung ương, 71,2% tại tuyến tỉnh, 78,4% ở tuyến huyện. Như vậy các BV tuyến Trung ương đã gần đạt mục tiêu đề ra. Riêng tuyến tỉnh chưa đạt. Hình thức xử lý chủ yếu là thuê vận chuyển ra ngoài xử lý.

Đối với nước thải y tế, hiện có 60% BV có hệ thống xử lý đạt yêu cầu. Cả tuyến Trung ương và tuyến tỉnh đều chưa đạt mục tiêu đề ra. Hầu hết là các BV xử lý tại chỗ, chỉ có một số thuê hoặc xử lý theo cụm BV.

Lãnh đạo Cục Quản lý môi trường y tế cũng cho biết, đa số BV không có cán bộ chuyên môn về xử lý chất thải y tế, hoặc nhân viên phụ trách không ổn định; tuổi thọ công trình không cao, nhiều hệ thống hỏng không được bảo hành bảo trì kịp thời... dẫn tới hiệu quả xử lý nước thải y tế tại các BV chưa cao.

Theo Chinhphu.vn 

Tham khảo các công trình xử lý nước thải cho thuê tại VIỆT NAM  

Viết bình luận

Bạn đã gửi bình luận thành công. Xin cảm ơn!