Máy phân hủy rác - Biến rác thực phẩm thành phân bón hữu cơ vi sinh
Hiện đang có xu hướng người tiêu dùng tự đặt máy xử lý rác từ Mỹ đưa về để có giá rẻ hơn vài triệu đồng/sản phẩm. Tuy nhiên, theo tư vấn của các nhân viên bán hàng, sản phẩm đem về có thể không sử dụng được do một số dòng sản phẩm được nhà sản xuất quản lý bằng phần mềm, tức cần phải cài đặt ứng dụng, vận hành máy bằng máy tính hoặc điện thoại thông minh và phạm vi lãnh thổ sử dụng chỉ tới Singapore. Hơn nữa, các sản phẩm đặt từ Mỹ cũng không được bảo hành. Nếu có ý định tự đặt hàng, người tiêu dùng nên cân nhắc.
Hàng ngoại đắt đỏ, vậy mua hàng nào phù hợp?
Nhân viên tư vấn tại Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Eco Việt Nam (công ty phân phối độc quyền thương hiệu máy tái chế rác SmartCara Hàn Quốc) cho biết, hiện công ty đang bán ba dòng máy tái chế rác thực phẩm của SmartCara, giá thành sản phẩm khác nhau tùy mỗi dòng. Dòng SmartCara 350 có dung tích 2 lít (xử lý 2kg rác) đang được giảm giá 5% nên còn hơn 18 triệu đồng/sản phẩm, cộng thêm quà tặng trị giá 1,5 triệu đồng; SmartCara 500 có dung tích 5 lít cũng giảm giá 5% còn hơn 35 triệu đồng/sản phẩm. Ngoài ra còn có dòng SmartCara 400 cũng dung tích 2 lít nhưng do có giá khá cao (hơn 24 triệu đồng/sản phẩm) nên công ty chỉ nhập về theo đơn đặt hàng của khách.
Theo tư vấn, trong các dòng trên, hiện dòng SmartCara 350 bán chạy nhất, khách đa phần là hộ gia đình tại chung cư. Dòng SmartCara 500 bán ít hơn, khách chủ yếu là các hộ gia đình sinh sống tại biệt thự hoặc các văn phòng vốn có lượng rác thải sinh hoạt nhiều hơn. Theo nhân viên tư vấn này, sản phẩm máy xử lý rác thải đã xuất hiện tại Hàn Quốc khoảng hơn 10 năm trước. Tuy nhiên, ở Việt Nam, dòng sản phẩm này còn khá mới mẻ nên nhiều người tiêu dùng vẫn còn bỡ ngỡ. Song theo dự đoán, khi ngày càng nhiều người có ý thức bảo vệ môi trường, dòng sản phẩm này sẽ bán chạy hơn trong tương lai.
“Các dòng máy này hoạt động trên nguyên lý sấy khô, nghiền nhuyễn và khử mùi rác thực phẩm để cho ra thành phẩm phân bón chỉ trong thời gian 3-5 tiếng, không cần sử dụng thêm hóa chất để rác dễ phân hủy giống các dòng máy khác. Đặc biệt, rác trong quá trình xử lý và cả phân làm ra không hề có mùi hôi” – nhân viên tại Eco Việt Nam nói.
Trên trang thương mại điện tử Shopee, mạng xã hội Facebook, máy xử lý rác thải SmartCara cũng được một vài gian hàng rao bán với đủ mức giá. Ngoài thương hiệu SmartCara của Hàn Quốc, trên thị trường bắt đầu xuất hiện các dòng máy tương tự nhưng xuất xứ Mỹ và Trung Quốc.
Tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1, TPHCM), nhân viên cho biết nơi đây đang bán dòng máy Zera Food Recycler của Mỹ, dung tích xử lý được 8,4kg rác, với giá 23,86 triệu đồng/sản phẩm. Thời gian biến thức ăn thành phân bón hữu cơ của dòng máy này lâu hơn, đến 24 giờ. Nguyên lý hoạt động của máy là cho phụ gia vào, nghiền nát rác, trộn đều, ủ đủ 24 giờ mới ra thành phẩm. “Khi mua, người tiêu dùng sẽ được tặng hai gói phụ gia được làm từ xơ dừa và baking soda, màng lọc làm từ than hoạt tính rất an toàn cho người sử dụng” – nhân viên tại đây cam kết.
Nhìn chung, các loại máy tái chế rác thực phẩm kể trên chỉ dành cho các gia đình có điều kiện vì giá thành không rẻ, việc thay bộ lọc (dùng để lọc mùi hôi) cũng khá tốn kém. Theo khuyến cáo của các nhà sản xuất, trung bình sáu tháng thì bộ lọc sẽ hết tác dụng khử mùi, phải thay mới với giá khoảng 700.000 đồng/bộ. “Có khách hàng sử dụng bộ lọc đến chín tháng vẫn lọc mùi tốt. Chỉ cần hạn chế bỏ thực phẩm có mùi quá hôi như mắm, nước mắm; lượng rác xử lý ít… thì bộ lọc ít ám mùi, thời gian sử dụng sẽ lâu hơn” – một nhân viên tư vấn nói với chúng tôi.
Ngoài máy tái chế, trên thị trường cũng xuất hiện nhiều thùng rác ủ phân hữu cơ với giá khá rẻ: chỉ khoảng 1,3 – 1,4 triệu đồng/sản phẩm, phần lớn nhập từ Trung Quốc. Đặc điểm, hình dạng, chất liệu các sản phẩm này giống hệt thùng rác nhựa các hộ gia đình đang sử dụng nhưng nắp đậy kín hơn, bên hông có thêm vòi nước. Khi mua sản phẩm, người tiêu dùng được tặng kèm cốc nhựa, xẻng nhựa và 1kg men vi sinh. Chỉ cần bỏ rác vào thùng, bỏ ít men, đậy nắp lại, sau vài ngày có thể rót nước từ thùng đem tưới cây, sau một tuần thì dùng phân này bón cây.
Có điều kiện thì mua máy
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), mỗi năm con người lãng phí khoảng 1,3 tỷ tấn thực phẩm, tương đương 23 triệu chiếc xe tải 40 tấn, đủ xếp vòng quanh trái đất bảy lần. Rác thải từ thực phẩm không chỉ lãng phí về tài chính mà còn đe dọa trực tiếp đến môi trường và con người.
Theo giáo sư – tiến sĩ Lê Huy Bá – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường – phần lớn rác thải thực phẩm hiện nay tại Việt Nam đều lẫn vào rác thải sinh hoạt khác, xử lý bằng cách chôn lấp vì loại rác này mang đi đốt tốn rất nhiều năng lượng. Theo thời gian, khi tích tụ và phân hủy trong môi trường yếm khí, rác thải thực phẩm sẽ sinh ra khí metan (CH4) – loại khí gây hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, nếu được xử lý hiệu quả, rác thải thực phẩm lại trở thành nguồn lợi tài nguyên hữu dụng trong đời sống. Rác hữu cơ phân hủy thông qua hoạt động của vi khuẩn và nấm, dựa trên nguyên lý có ô-xy (còn gọi là quá trình hiếu khí, phân hủy bởi vi sinh vật hiếu khí) và không có ô-xy (gọi là yếm khí, phân hủy bởi vi sinh vật kỵ khí). Nếu chọn cách ủ có ô-xy thì phải trộn rác hằng ngày và nhờ có lượng ô-xy vào nên tốc độ phân hủy nhanh, phân làm ra ít có mùi hôi; còn ủ trong thùng kín không có không khí nên quá trình phân hủy rất chậm, thu hút sâu bọ, thành phẩm có mùi hôi.
Tại các vùng quê, do người dân ủ phân trong các thùng kín nên thường mất khoảng 60 ngày thì rác thải mới được phân hủy để biến thành phân hữu cơ. Theo giáo sư – tiến sĩ Lê Huy Bá, dựa trên phương pháp ủ phân truyền thống, các nhà sản xuất chế tạo ra các sản phẩm này kết hợp cách phân hủy giữa hiếu khí và yếm khí, tức vừa kết hợp bỏ trong thùng kín và có ô-xy, vừa phân hủy bằng vi sinh vật hiếu khí và kỵ khí nên tốc độ phân hủy nhanh hơn, phân làm ra không có mùi hôi, phù hợp với môi trường thành thị vốn không có không gian, điều kiện để ủ phân sao cho an toàn, không thu hút sâu bọ.
Tại Việt Nam, nhiều nhà sản xuất cũng đã bắt đầu chế tạo những chiếc thùng nhựa có khoét lỗ (kết hợp hiếu khí và yếm khí) để đẩy nhanh tốc độ ủ phân thay vì dùng những thùng nhựa kín như trước đây. “Nếu có điều kiện, người dân có thể sắm những chiếc máy tái chế rác như trên, nếu không thì có thể tự ủ tại nhà bằng thùng đựng rác có nắp đậy và đẩy nhanh tốc độ ủ bằng cách thêm men vi sinh vào” – giáo sư – tiến sĩ Lê Huy Bá hướng dẫn.
Nguồn: Phụ nữ
Viết bình luận
Bạn đã gửi bình luận thành công. Xin cảm ơn!