Quản lý chất thải rắn - những khó khăn và giải pháp quản lý
Mở đầu
Trong những năm gần đây, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển mạnh mẽ đã đem lại nhiều kết quả khả quan cho nền kinh tế của Việt Nam. Nhưng đi kèm cùng sự phát triển đó, vấn đề ô nhiễm môi trường cũng đang diễn biến phức tạp và gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với phát sinh và quản lý chất thải rắn. Do đặc thù của loại ô nhiễm bao gồm nhiều nguồn gốc phát sinh, số lượng tăng nhanh cùng với thành phần phức tạp dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý của địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Bên cạnh đó, việc quản lý chưa đi sâu vào các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng từ chất thải rắn, dẫn đến chủ yếu việc xử lý còn mang hình thức truyền thống như chôn lấp, thiêu đốt... cũng như công tác triển khai quy hoạch còn chậm, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và các trang thiết bị xử lý còn hạn chế, dẫn đến hiểu quả xử lý chưa cao, làm ảnh hưởng đến mỹ quan cũng như môi trường của khu vực.
Do đó, để kiểm soát, quản lý được ô nhiễm do phát sinh chất thải rắn, các cơ quan có chức năng cần đánh giá thực trạng phát sinh và có những giải pháp thiết thực phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam hiện nay.
- Hiện trạng quản lý
- Hiện trạng phát sinh
Chất thải rắn sinh hoạt
Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015, lượng CTR sinh hoạt tiếp tục gia tăng và có xu hướng tăng nhanh hơn so với giai đoạn 2006 - 2010, theo đó, lượng phát sinh CTR trong giai đoạn 2007-2010 tăng trung bình 10% mỗi năm, nhưng đến giai đoạn 2010-2014, tỷ lệ này đã tăng lên là 12%.
Lượng CTR chủ yếu tập trung tại các khu đô thị lớn, với khối lượng phát sinh khoảng 32 nghìn tấn/ngày (2014). Đặc biệt tại 2 đô thị lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh, khối lượng chiếm tới 45,24% tổng lượng chất thải rắn phát sinh trong các đô thị. Ước tính chỉ số phát sinh chất thải rắn sinh hoạt bình quân trên đầu người là 0,9-1,38kg/người/ngày. CTR tại các đô thị chủ yếu phát sinh từ các hộ gia đình, các khu vực công cộng (chợ, trung tâm thương mại..), với tỷ lệ hữu cơ chiếm từ 54-77% bao gồm các loại rác như: thức ăn thừa, đồ hư hỏng, xác động vật chết...
Tại các vùng nông thôn, tỷ lệ phát sinh CTR thấp hơn, ước tính khoảng 31 nghìn tấn/ngày (2014), rác thải chủ yếu là các chất hữu cơ dễ phân hủy, khả năng phát sinh phụ thuộc vào mật độ dân số từng khu vực.
Chất thải rắn công nghiệp
Theo khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2011, khối lượng chất thải rắn công nghiệp xấp xỉ trên 22 nghìn tấn/ngày, được tập trung chủ yếu tại hai vùng kinh tế trọng điểm của cả nước là Đông nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Chất thải rắn công nghiệp, chủ yếu phát sinh từ một số ngành công nghiệp như khai thác khoáng sản, đóng tàu, sản xuất rượu bia, thực phẩm...
Chất thải rắn nông nghiệp và làng nghề
Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường trong Hội nghị môi trường quốc gia, tháng 9/2015, tại các vùng nông thôn, hàng năm ước tính có khoảng 76 triệu tấn rơm rạ và 47 triệu tấn chất thải chăn nuôi phát sinh, chất thải chăn nuôi chủ yếu là phân, các chất độn chuồng, thức ăn thừa... Bên cạnh đó, trong sản xuất nông nghiệp, sự lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật , phân bón,... cũng làm gia tăng lượng vỏ bao bì, và các chất thải rắn khác ra môi trường.
Hiện nay, trên cả nước có gần 2000 làng nghề với đa dạng các ngành nghề khác nhau như: dệt nhuộm, kim khí, chăn nuôi... với sự phát triển mạnh mẽ của các làng nghề đã làm cho lượng chất thải rắn cũng tăng lên, ước tính 1- 7 tấn/ngày.
Chất thải rắn nguy hại
Chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động công nghiệp ước tính khoảng 800 nghìn tấn/năm, chiếm tỷ lệ khoảng 20-30% tổng lượng phát sinh chất thải rắn từ hoạt động này (Báo cáo công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2011-2015 và định hướng giai đoạn 2016-2010). Tùy vào từng loại hình công nghiệp khác nhau mà thành phần chất thải nguy hại cũng đa dạng nhưng chủ yếu phát sinh từ các loại hình như công nghiệp điện, điện tử, dệt nhuộm, hóa chất....
Trong khi đó, tại khu vực nông thôn, chất thải nguy hại xuất phát chủ yếu từ vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, phân bón.. trung bình mỗi năm phát sinh khoảng 14 nghìn tấn bao bì, phân bón các loại khác nhau. Bên cạnh đó, trên cả nước còn nhiều điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật, cụ thể tính đến tháng 6 năm 2015, đã thống kê được 1562 điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật trên toàn quốc.
- Hiện trạng thu gom và xử lý
Đối với chất thải rắn thông thường
Theo báo cáo của Bộ xây dựng, tỷ lệ thu gom chất thải rắn tại các đô thị đạt khoảng 85%, khu vực ngoại thành đạt 60% và tại các vùng nông thôn tỷ lệ này chỉ đạt 40%, đặc biệt tại các vùng sâu vùng sa tỷ lệ thu gom chỉ đạt 10%.
Tại các đô thị, việc thu gom được Công ty môi trường đô thị thực hiện hoặc Công ty công trình đô thị thực hiện, bên cạnh đó là một số đơn vị cá nhân được ủy quyền cũng tham gia vào công tác thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt. Hình thức chủ yếu là dùng xe đẩy tay, xe cải tiến để thu gom và xe tải để vận chuyển đến nơi tập kết xử lý rác.
Tại các vùng nông thôn, việc thu gom được quản lý bởi Ủy ban nhân dân xã, hoặc giao cho các thôn tự quản và thống nhất với người dân, hình thức chủ yếu là dùng xe tải nhỏ để thu gom và vận chuyển. Tuy nhiên, tại các vùng nông thôn, việc thu gom chưa được thực hiện thường xuyên hàng ngày mà chủ yếu theo tuần hoặc theo tháng, việc thu gom chỉ mới áp dụng đối với rác thải sinh hoạt.
Việc phân rác tại nguồn chưa được thực hiện triệt để, đa phần rác thải sinh hoạt cũng như xây dựng bị thu gom lẫn lộn vào nhau và đem đến các bãi tập kết. Ở một số đô thị lớn đã thực hiện mô hình 3R (reduce - reuse - recycle), nhưng chỉ mới áp dụng tại một số phường.
Rác thải tại các nơi sản xuất được thu gom và vận chuyển bởi chính đơn vị sản xuất hoặc các đơn vị được ủy quyền. Tại các làng nghề, đa phần chất thải chưa được thu gom riêng, chủ yếu được thu gom cùng với rác thải sinh hoạt.
Hiện nay, chất thải rắn thông thường được xử lý bằng hình thức chôn lấp, đốt và sản xuất phân hữu cơ.
Tính đến năm 2012, cả nước có khoảng 25 nhà máy xử lý được đầu tư xây dựng và đi vào vận hành với công suất khoảng 4 nghìn tấn/ngày. Trong đó có 3 cơ sở sử dụng công nghệ đốt, 3 cơ sở kết hợp cả đốt cả ủ phân compost. Các nhà máy còn lại sử dụng kết hợp ủ phân và chôn lấp. Đối với hình thức chôn lấp, tính đến năm 2013, có khoảng 458 bãi chôn lấp với quy mô trên 1ha, trong đó có 337 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, những bãi chôn lấp này chủ yếu hình thức tạm bợ, lộ thiên, chưa được quy hoạch theo đúng quy định.
Trên cả nước có khoảng 50 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt với quy mô nhỏ (dưới 50kg/h). Hiện nay, tại một số địa phương cũng đang đầu tư xây dựng các lò đốt, việc này tạo điều kiện cho việc xử lý lượng rác thải tồn đọng của địa phương. Song bên cạnh, việc các lò đốt chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, khi đưa vào vận hành sẽ phát sinh các chất ô nhiễm thứ cấp làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và môi trường khu vực.
Chất thải rắn nguy hại
Theo thống kê, khối lượng chất thải nguy hại được thu gom và xử lý ngày càng tăng, năm 2014, khối lượng thu gom là 320.275 tấn tăng 93,4% so với năm 2012. Tính đến tháng 6 năm 2015, trên toàn quốc có 83 doanh nghiệp với 56 đại lý có địa bàn hoạt động từ hai tỉnh trở lên đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép và khoảng 130 đơn vị do các địa phương cấp phép đang hoạt động, đóng vai trò chính trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại (bao gồm cả chất thải điện tử) đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.
Các hình thức xử lý đang được áp dụng hiện nay chủ yếu là tái chế, xử lý cơ học hoặc hóa lý... đã có nhiều phát triển trong công nghệ, nhưng nhìn chung vẫn đang dừng lại ở quy mô nhỏ, kỹ thuật chưa tiên tiến, đáp ứng được một phần nhu cầu xử lý loại chất thải rắn này.
- Đánh giá
- Thuận lợi
Nhiều văn bản pháp luật đưa ra về vấn đề bảo vệ môi trường, các chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn là nền móng quan trọng trong việc quản lý và kiểm soát lượng phát sinh chất thải cũng như có những giải pháp phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội hiện nay tại nước ta.
Cùng với đó là nhiều chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong đầu tư và xây dựng cơ sở sản xuất, các công nghệ xử lý chất thải rắn cũng là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp quản lý lượng chất thải tốt hơn.
Các chính sách về thuế và phí bảo vệ môi trường đã góp phần tăng tính tự giác của mỗi cá nhân tập thể trong việc bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, ý thức của cộng đồng và doanh nghiệp cũng càng tăng lên, đem lại nhiều kết quả tích cực. Việc thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm cũng một trong những công cụ hữu ích hạn chế những hoạt động làm ảnh hưởng đến môi trường.
- Khó khăn
Bộ máy tổ chức chưa thống nhất, xuất hiện nhiều lỗ hỏng, phân công nhiệm vụ còn chưa rõ ràng, chồng chéo nhau; thể chế chính sách chưa hoàn thiện, chưa thực thi đầy đủ. Các doanh nghiệp của nhà nước chưa được đầu tư, hỗ trợ đầy đủ. Việc quy hoạch quản lý còn gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, các công nghệ xử lý còn lạc hậu, hiệu quả thấp, việc đầu tư tài chính cho xử lý còn chưa cân đối. Ý thức cộng đồng còn nhiều hạn chế, dẫn đến vẫn còn trường hợp vi phạm về quản lý chất thải rắn mà thanh tra kiểm tra chưa kiểm soát được. Việc hợp tác quốc tế chưa phát huy được hiệu quả.
- Giải pháp
Đứng trước thực trạng quản lý cùng với sự phát sinh chất thải nói chung và chất thải rắn nói riêng, bộ máy tổ chức cần sắp xếp và thống nhất từ trung ương đến địa phương, trách nhiệm được phân công rõ ràng cho từng cá nhân, tổ chức. Cần có những văn bản hướng dẫn cụ thể việc thự hiện các thông tư, nghị định. Cùng với đó là xây dựng nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho những doanh nghiệp cá nhân xây dựng các cơ sở xử lý chất thải; khuyến khích sản xuất theo hướng sản xuất sạch, bền vững, những mô hình xử lý ô nhiễm thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, hoạt động truyền thông và giáo dục về bảo vệ môi trường là một yếu tố quan trọng để giúp cộng đồng hiểu rõ việc giữ gìn môi trường xung quanh đặc biệt tại một số khu vực vùng núi, vùng ven biển. Cần mở các lớp tập huấn cho các doanh nghiệp về sản xuất sạch hơn, giảm thiểu phát sinh chất thải rắn, quá trình thu gom xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
Nhà nước cần có những chính sách để huy động nguồn vốn, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng các công trình xử lý chất thải. Khuyến khích các tổ chức các nhân đầu tư vào hoạt động tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng từ chất thải phát sinh. Xây dựng các chính sách mua sắm công nghệ phù hợp với điều kiện phát triển hiện nay.
Tăng cường các giải pháp về thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm ngặt các hành vi cố tình vi phạm về quản lý chất thải rắn.
Tận dụng việc hợp tác quốc tế với các quốc gia trong và ngoài khu vực để trao đổi chuyển giao các công nghệ, đào tạo nhân lực có trình độ; thu hút vốn đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho xây dựng các cơ sở lý xử lý chất thải rắn.
- Kết luận
Bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của toàn xã hội, mỗi cá nhân cần có ý thức chung tay để xây dựng môi trường sạch đẹp hơn. Cần triển khai kịp thời các chính sách quản lý phù hợp để đem lại sự thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý chất thải rắn nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường, hướng đến sự phát triển bền vững.
Biên tập: Tạp chí tài nguyên môi trường
Chủ Biên: KS. Kiều Dương Quỳnh - Phòng Môi trường (Liên hệ tư vấn 0868076680)
Công ty CP Kỹ thuật Môi trường và Xây dựng VINACEE Việt Nam
Địa chỉ: Đội 1 Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội
Cơ sở 2: Tầng 9, Số 66, Trần Đại Nghĩa, P. Đồng Tâm, Q.Hai Bà Trung, Hà Nội.
ĐT: 0974887369, 0942226986 (Mr Tuyên)
Email: Vinaceeco@gmail.com
Viết bình luận
Bạn đã gửi bình luận thành công. Xin cảm ơn!