Nghiên cứu khoa học: Nghiệm thu đề tài "Nghiên cứu giải pháp xử lý chất thải vùng biển đảo"

Vừa qua, Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng tổ chức cuộc họp đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện Đề tài “Nghiên cứu đề xuất giải pháp xử lý chất thải nhà tiêu, nước thải sinh hoạt và chất thải rắn theo hướng vệ sinh sinh thái, khép kín, phù hợp với vùng hải đảo”. Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường Vũ Ngọc Anh - Chủ tịch Hội đồng, chủ trì cuộc họp.

 

Bảo vệ đề tài trước Hội đồng, GS.TS Nguyễn Việt Anh - Viện trưởng Viện Khoa học và kỹ thuật môi trường, Trưởng Bộ môn Cấp thoát nước, Trường Đại học Xây dựng - Chủ trì đề tài cho biết, mục tiêu của đề tài nhằm phát triển các mô hình và giải pháp kỹ thuật vệ sinh phù hợp, theo hướng sinh thái, khép kín, cho phép xử lý tổng hợp chất thải nhà tiêu, nước thải sinh hoạt và chất thải rắn hữu cơ cho các đơn vị bộ đội, cụm gia đình sống trong môi trường hải đảo; kiểm soát hiệu quả ô nhiễm do chất thải sinh hoạt, thu hồi được các chất cần thiết để tái sử dụng trong trồng trọt và chăn nuôi, góp phần bảo vệ sức khỏe và cải thiện điều kiện sinh hoạt, chiến đấu cho bộ đội và cộng đồng cư dân, bảo vệ môi trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo.



Để thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng quản lý chất thải, xác định nhu cầu quản lý chất thải, mối liên hệ với cấp nước, nhu cầu nước tưới và chất dinh dưỡng cho trồng trọt và chăn nuôi ở một số hải đảo tiêu biểu cho các vùng miền Việt Nam; đồng thời nghiên cứu, phát triển các mô hình nhà tiêu kiểu mô đun, thu gom, xử lý nước mưa, nước thải sinh hoạt, chất thải rắn, phù hợp môi trường biển, đảo và triển khai thử nghiệm lắp đặt, đánh giá, hoàn thiện công nghệ ngoài hiện trường cho một số gia đình và đơn vị bộ đội ở các đảo: Cát Bà (Hải Phòng), Cô Tô, Vĩnh Thực (Quảng Ninh).

Do điều kiện thường khan hiếm nước trên các hải đảo cũng như nhu cầu sử dụng chất dinh dưỡng trong trồng trọt, nhóm nghiên cứu đã đề xuất mô hình Nhà tiêu khô ủ phân, chế tạo sẵn kiểu mô đun để xử lý chất thải nhà tiêu. Chất thải nhà tiêu được ủ compost để làm phân bón. Nước tiểu có thể trộn lẫn với nước biển, ở điều kiện độ pH = 8 để tạo thành chất kết tủa (struvite) làm phân bón Magnesium ammonium phosphate hydrate (MAP).

Mô hình bể tự hoại chế tạo sẵn bằng composite được nhóm nghiên cứu đề xuất áp dụng ở cả những nơi sử dụng nước ngọt và nước mặn để dội nhà tiêu. Trong đó, đối với những nơi dùng nước mặn dội nhà tiêu cần sử dụng chế phẩm vi sinh (Chế phẩm vi sinh này đã được nhóm nghiên cứu phát triển và thử nghiệm thành công).

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đã triển khai 2 mô hình bể xử lý nước thải sinh hoạt chế tạo sẵn kiểu mô đun: Mô hình lọc kỵ khí kết hợp lọc hiếu khí, với giá thể vi sinh bằng đá xốp hay nhựa rỗng và mô hình bể tự hoại cải tiến với vách ngăn mỏng và ngăn lọc kỵ khí BASTAT kết hợp với bể xử lý hiếu khí AT (Mô hình BASTAFAT). Trong khi đó, mô hình thu gom nước mưa được lựa chọn là mô hình với bể nước mưa bằng composite, và hệ thống lõi lọc nước mưa nhiều bậc kết hợp với khử trùng bằng tia cực tím để cấp nước uống trực tiếp.


Nói về mô hình cụm bể xử lý nước thải chế tạo sẵn bằng composite BASTAFAT, công suất 1-5 m3/ngày, GS.TS Nguyễn Việt Anh cho biết, mô hình này bao gồm bể tự hoại cải tiến với vách ngăn mỏng và ngăn lọc kỵ khí BASTAT kết hợp với bể xử lý hiếu khí AT, có ưu điểm là đạt hiệu suất xử lý cao đối với cả chất hữu cơ, cặn lơ lửng, N, P, vi sinh vật gây bệnh... cho phép xả nước thải sau xử lý ra môi trường hoặc tái sử dụng lại. Trong khi đó, thiết bị ủ phân vi sinh kiểu trống quay cho phép xử lý các loại chất thải rắn sinh hoạt hữu cơ, chất thải nhà tiêu, chất thải chuồng trại chăn nuôi làm phân compost có bổ sung chất độn và chế phẩm vi sinh.



Nhóm đề tài đã nghiên cứu, triển khai và bàn giao, đưa vào sử dụng thành công 2 nhà tiêu dội bằng nước biển, 3 nhà tiêu khô sinh thái, 3 mô hình xử lý nước thải sinh hoạt, 2 mô hình ủ phân compost, 1 mô hình thu gom, xử lý, sử dụng nước mưa cho các đơn vị bộ đội và các hộ dân tại đảo Cát Bà, Vĩnh Thực, Cô Tô. Các công trình bể nước, nhà tiêu, công trình xử lý nước thải và chất thải rắn được nghiên cứu xây dựng theo hướng chế tạo sẵn, bằng vật liệu composite có độ bền cao, chịu được môi trường nước mặn, có kết cấu gọn nhẹ và chắc chắn, có thể tháo lắp để dễ vận chuyển bằng đường biển hay đường hàng không, di chuyển và lắp đặt trên đảo và vùng ven biển.

Tại cuộc họp, sau khi tổng hợp các ý kiến nhận xét, góp ý của các chuyên gia phản biện và thành viên Hội đồng, Vụ trưởng Vũ Ngọc Anh - Chủ tịch Hội đồng đánh giá cao sự cố gắng, nghiêm túc của nhóm nghiên cứu trường Đại học Xây dựng trong quá trình thực hiện đề tài. Các sản phẩm đề tài đầy đủ về số lượng theo yêu cầu của Hợp đồng và đảm bảo chất lượng. Trong đó, Báo cáo tổng kết đề tài đạt chất lượng tốt, có ý nghĩa khoa học lẫn giá trị thực tiễn; các sản phẩm, giải pháp kỹ thuật được nghiên cứu, hoàn thiện đảm bảo chất lượng và có tính khả thi cao, giải quyết trọn gói các vấn đề về vệ sinh môi trường, phù hợp với các hải đảo.

Vụ trưởng Vũ Ngọc Anh đề nghị nhóm nghiên cứu xem xét, tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của Hội đồng đồng thời chú ý rà soát biên tập, chỉnh sửa lỗi đánh máy, lỗi chế bản, sớm hoàn thiện Báo cáo tổng kết và các sản phẩm đề tài, trình lãnh đạo Bộ Xây dựng xem xét, quyết định.
Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng nhất trí bỏ phiếu nghiệm thu Đề tài "Nghiên cứu đề xuất giải pháp xử lý chất thải nhà tiêu, nước thải sinh hoạt và chất thải rắn theo hướng vệ sinh sinh thái, khép kín, phù hợp với vùng hải đảo”, với kết quả đạt loại Xuất sắc.
 

Theo VIỆT NGA - Hội cấp thoát nước Việt Nam 

Viết bình luận

Bạn đã gửi bình luận thành công. Xin cảm ơn!