Đà Nẵng bàn cách quản lý an toàn thực phẩm

Dân trí Sáng 17/12, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, quận, huyện về công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Theo báo cáo của Sở Y tế, trong năm qua, các cơ quan chức năng của TP Đà Nẵng đã đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm phát hiện kịp thời những vi phạm về an toàn thực phẩm và kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, ngành y tế đã kiểm tra 7.115 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và xử lý 103 cơ sở.

Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã thanh, kiểm tra gần 600 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông – lâm - thủy sản và vật tư nông nghiệp, phát hiện và xử lý vi phạm đối với 65 cơ sở về kho thuốc bảo vệ thực vật không đạt chuẩn, thuốc bảo quản thực vật hết hạn, thịt không có dấu kiểm soát giết mổ....

Đà Nẵng bàn cách quản lý an toàn thực phẩm

Đà Nẵng bàn cách quản lý an toàn thực phẩm

Ngành công thương tiến hành kiểm tra gần 500 cơ sở. Kết quả có tới 384 cơ sở vi phạm và bị xử lý, với các hành vi vi phạm như không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc đã hết hạn, không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm hoặc không tổ chức khám sức khỏe định cho người lao động, chủ cơ sở.

Tuy nhiên, quá trình phối hợp thực hiện liên ngành còn chồng chéo, trùng lặp; lực lượng cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm còn thiếu và đặc biệt là ở tuyến cơ sở; chưa có lực lượng thanh tra chuyên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tuyến quận, huyện nên gặp khó khăn trong công tác phát hiện và xử lý vi phạm vệ sinh toàn an thực phẩm.

Nhằm quản lý tốt an toàn thực phẩm trên địa bàn, đại diện Sở Công thương Đà Nẵng đề xuất nên thành lập lại ban chỉ đạo liên ngành. Đồng thời nên phát động phong trào toàn dân tố giác cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn. Trên đài truyền hình cũng cần có chuyên mục tư vấn cho người dân để trở thành người tiêu dùng thông thái.

Ông Nguyễn Út, Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng, cần phải đề ra tiêu chuẩn đối với các mặt hàng thực phẩm. Thực phẩm phải đạt tiêu chuẩn VietGAP mới cho nhập về Đà Nẵng. Các cơ sở giết mổ trên địa bàn cũng phải đạt tiêu chuẩn.

Cũng theo ông Út, hiện trong công tác quản lý còn có bất cập như khi lấy mẫu xét nghiệm thì cần phải mất 2 tuần mới có kết quả. Trong thời gian đó, người ta đã đem những sản phẩm đó đi tiêu thụ rồi. Vì thế, ông Út đề nghị UBND TP đầu tư thêm trang thiết bị hiện đại để rút ngắn thời gian kiểm định.

Đại diện phòng Cảnh sát môi trường (Công an TP Đà Nẵng) đề nghị tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân. Khi đi chợ phát hiện nghi vấn thực phẩm bẩn thì báo cho cơ quan chức năng.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng ghi nhận những nỗ lực trong công tác quản lý của các ngành, bằng chứng là không có các vụ ngộ độc thực phẩm với số lượng người mắc nhiều. Tuy nhiên, vẫn chưa thể yên tâm bởi có những chỗ chưa thể kiểm soát được. Tình trạng sức khỏe, bệnh tật của người dân liên quan đến an toàn thực phẩm nhiều. Mục tiêu của Đà Nẵng là phấn đấu trở thành một thành phố an bình. Mà an bình ở đây không chỉ là an ninh trật tự mà còn phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Và để làm được điều đó, cần phải có kế hoạch trước mắt và lâu dài.

Kế hoạch trước mắt, Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng giao cho Sở Y tế phối hợp với các sở, ngành liên quan, xây dựng kế hoạch kiểm soát an toàn thực phẩm trước Tết dương dịch để người dân yên tâm ăn Tết. Nên tập trung chính vào việc kiểm soát thực phẩm ở khu vực xuất hàng ra, xác định loại thực phẩm, hàng hóa gì cần kiểm soát, những thực phẩm mà người dân dùng nhiều, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người dân… Lực lượng kiểm tra phải phân cho rõ ràng: ai kiểm tra? kiểm tra ở đâu? không để chồng chéo.

Bên cạnh việc xây dựng kế hoạch kiểm soát thì phải xây dựng kế hoạch tuyên truyền. Phải xác định được đối tượng tuyên truyền cụ thể để có nội dung tuyên truyền hợp lý, tuyên truyền phải đến nơi đến chốn. Công bố rộng rãi những cơ sở đạt chuẩn để người dân được biết. Mục đích của công tác tuyên truyền phải để người dân yên tâm.

Kế hoạch lâu lài là giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành xây dựng đề án chung về quản lý an toàn thực phẩm.

Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng cũng giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành, quận, huyện trong việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian tới.

Khánh Hồng

Viết bình luận

Bạn đã gửi bình luận thành công. Xin cảm ơn!