Công nghệ loại bỏ asen độc đáo của Việt Nam

Công nghệ loại bỏ asen độc đáo của Việt Nam

Bằng cách sơ chế đá ong đơn giản, các nhà khoa học đã giúp người dân có thể dễ dàng loại bỏ hơn 95% nồng độ asen có trong nước ngầm để lấy nước sinh hoạt.

Đá ong chỉ cần đập nhỏ, sơ chế là có thể dùng để loại bỏ asen trong nước.

Khảo sát của nhóm nhà khoa học thuộc thuộc Phòng Thí nghiệm phân tích môi trường (Khoa Môi trường, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), cho thấy: Nước ngầm tại khu vực Hoài Đức (Hà Nội) nhiễm asen ở mức cao, vượt quy chuẩn cho phép từ 8 - 18 lần. Hiện người dân ở đây vẫn xử lý nước bằng các vật liệu có sẵn trong tự nhiên như cát vàng, cát đen, than củi, sỏi, xỉ than và đá cuội.

Cách làm này được các nhà khoa học đánh giá là có khả năng giảm nồng độ asen so với nước chưa qua xử lý. Tuy nhiên, mức độ giảm không cao, kể cả lọc đến năm lớp vật liệu. Hàm lượng asen sau khi lọc vẫn cao so với quy chuẩn Việt Nam (QCVN 09:2008/BTNMT) từ 3,1 - 11,6 lần, tức dao động từ 30,9 - 115,8 microgam/lít. Với mức này, nước sau khi qua các bể lọc sẵn có của các hộ dân chưa thể sử dụng cho mục đích sinh hoạt, ăn uống của người dân.

"Các kết quả nghiên cứu đều cho thấy, nước nhiễm asen sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người dân. Các nghiên cứu đã chỉ rõ, dùng nước này để ăn uống con người có thể bị mắc bệnh ung thư, trong đó thường gặp là ung thư da. Ngoài ra, asen còn đầu độc hệ tuần hoàn, suy nhược thần kinh, bệnh lý thai sản, rụng tóc...", ThS Nguyễn Xuân Huân, Phòng Thí nghiệm phân tích môi trường cho hay.

Đá ong chỉ cần rửa qua, đập nhỏ

ThS Nguyễn Xuân Huân cho biết, trước thực tế người dân vẫn phải sử dụng nước nhiễm asen gây mất an toàn đến sức khoẻ, nhóm các nhà khoa học của Phòng Thí nghiệm phân tích môi trường đã nghiên cứu cách tận dụng đá ong tại chính địa phương này với phương pháp sử dụng đơn giản để người dân có thể áp dụng luôn vào bể lọc nước có sẵn.

Để nghiên cứu ứng dụng vào thực tế, các nhà khoa học đã nghiên cứu hiệu quả của đá ong chỉ qua sơ chế với nước nhiễm asen. Cách thức thử nghiệm cũng đơn giản như sau: Sử dụng đá ong đập nhỏ, rây qua rây 1mm, ngâm và rửa bằng nước cất hai lần trong 1 giờ, phơi khô và sấy ở 105oC trong vòng 6 giờ. Lấy 1g đá ong đã qua sơ chế cho vào 100ml mẫu nước ô nhiễm asen, lắc tốc độ 220 vòng/phút trong 90 phút ở nhiệt độ phòng. Kết quả cho thấy, với nồng độ ô nhiễm asen ban đầu là 180microgam/lít, hiệu quả xử lý bằng đá ong chỉ qua sơ chế đạt 82,6 - 97,8%. Hiệu suất xử lý tăng nhanh trong khoảng thời gian từ 0 - 30 phút và tăng chậm dần trong khoảng 30 - 90 phút. Sau khoảng thời gian 45 phút, nồng độ asen còn lại nhỏ hơn 10microgam/lít, đạt quy chuẩn Việt Nam.

Giải thích về kết quả trên, ThS Nguyễn Xuân Huân cho rằng, bản thân đá ong là khoáng chất có cấu trúc rỗng gồm nhiều lỗ với vách của khung là một khối gồm khoáng sét và sắt hydroxit tạo thành những tâm hấp phụ các hạt mang điện tích.

Nghiên cứu này cũng đã thử nghiệm với mẫu nước ngầm bị ô nhiễm asen tại xóm 5, thôn Lai Xá, Xã Kim Chung (Hoài Đức, Hà Nội) với nồng độ asen của nước chưa xử lý là 176microgam/lít. Sau khi xử lý bằng đá ong sơ chế nồng độ asen trong nước đã giảm 94,9%.

ThS Nguyễn Xuân Huân cho biết thêm: Đối với hộ gia đình cách chế biến đá ong không cần cầu kỳ như trong phòng thí nghiệm, tức phải rửa nước cất, phơi sấy... Thay vào đó, người dân chỉ cần lấy đá ong sẵn có, đập nhỏ, rây và rửa qua nước sạch. Sau đó trộn lẫn hoặc đặt một lớp đá ong riêng trong bể lọc cùng 5 tầng lọc với các vật liệu có sẵn trong tự nhiên như cát vàng, cát đen, than củi, sỏi... Tùy vào mức độ asen có trong nước ngầm, mỗi năm người dân thay các vật liệu này từ 3 - 4 lần để tăng khả năng hấp phụ, xử lý nước ngầm bị ô nhiễm asen.

Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc phòng Thí nghiệm phân tích môi trường đã giúp người dân giảm được chi phí lọc nước, dễ sử dụng vì cách thao tác đơn giản. Nghiên cứu này đi theo một hướng khác hoàn toàn với các nghiên cứu đã có trước đó là sử dụng nguồn đá ong nhưng qua xử lý biến tính như tinh chế, dùng nhiệt, phủ nano... nên rất mất công, chi phí cao, người dân chủ yếu phải mua chứ không thể tự làm.

TS Trần Văn Quy (Khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) 

Viết bình luận

Bạn đã gửi bình luận thành công. Xin cảm ơn!