Cho thuê hệ thống xử lý nước thải, phương thức mới trong giải pháp xử lý môi trường tại Việt Nam
Trong tương lai, cùng với nhu cầu và sự phù hợp của thị trường, dịch vụ xử lý nước thải, cho thuê xử lý nước thải sẽ phát triển mạnh mẽ.
Đó là một trong những vấn đề được PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) đề cập bên lề Hội thảo về xử lý nước thải và cải thiện môi trường nước tại Việt Nam do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với Công ty cổ phần công nghiệp hóa chất Sekisui (Sekisui Vietnam Co., Ltd) tổ chức mới đây.
Hệ thống xử lý nước thải hợp khối được cho thuể để xử lý nước thải tại cơ sở sản xuất, dịch vụ
- Tình trạng nước thải không qua xử lý vẫn được thải ra môi trường tại các TP lớn dù hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đã được đầu tư. Vậy theo ông, nguyên nhân là từ đâu?
- Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tốc độ đô thị hóa của nước ta tương đối nhanh và đang cố gắng hướng tới phát triển đô thị xanh nhưng chưa tương xứng với đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, trong đó có hạ tầng xử lý nước thải. Đến nay các trung tâm xử lý nước thải mới chỉ xử lý được 12-13% nước thải trước khi thải ra môi trường.
Cùng với đó là ý thức của người dân, doanh nghiệp trong việc xả thải dẫn đến tình trạng xả thải “tự do” ra môi trường. Do đó, phải có những giải pháp cho tình trạng này để chủ động đối phó trước tác động của sự phát triển của đô thị, trong đó cần đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý nước thải.
- Hệ thống thoát nước, xử lý nước thải đô thị được đầu tư xây dựng qua nhiều thời kỳ khác nhau, không hoàn chỉnh, đồng bộ, ở các đô thị thuộc các tỉnh lỵ hay các vùng xa, thậm chí còn chưa xây dựng các đường ống xử lý nước thải. Tại sao không xã hội hóa để mở rộng độ phủ sóng của hệ thống này, thưa ông?
- Việc chưa thu hút được tư nhân tham gia đầu tư lĩnh vực này xuất phát từ việc đầu tư hệ thống thoát nước cần đầu tư vốn ban đầu rất lớn nhưng không đem lại hiệu quả kinh tế ngay, thu hồi vốn thì nhỏ giọt gặp nhiều rủi ro. Vì thế, từ trước đến nay Nhà nước vẫn phải đầu tư và thông qua các nguồn vốn viện trợ.
Một yếu tố nữa ảnh hưởng đến việc đầu tư là chính sách phải ổn định và lâu dài chứ nếu chính sách thay đổi thì cũng khó có thể huy động được. Các chính sách hỗ trợ trong việc đầu tư như Nghị định 19/2015 thì chúng ta phải cụ thể hóa các chính sách từ Nghị định bằng các hướng dẫn cụ thể và thực hiện thì chúng ta mới có thể có lòng tin đối với các nhà đầu tư.
Việc vận hành trong quá trình thực hiện phải ổn định chứ nếu mỗi nhiệm kỳ lại thay đổi cơ chế chính sách thì sẽ dẫn đến việc các nhà đầu tư mất niềm tin.
Thời gian qua, chính sách về thoát nước, xử lý nước thải của chúng ta chưa đồng bộ, chưa hoàn thiện; việc tuyên truyền chưa đủ để người dân có thể thấy được việc xử lý nước thải là rất quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, cuộc sống. Hiện chính sách về lĩnh vực thoát nước vẫn đang dần được hoàn thiện nên dù sao cũng không thể nóng vội được, phải có lộ trình vì nó liên quan trực tiếp đến lợi ích của người dân.
Vừa qua Chính phủ ban hành Nghị định 80 không gọi về phí mà gọi là giá về dịch vụ về xử lý nước thải, trong đó tính đúng, tỉnh đủ các loại chi phí và nói với người dân để xử lý một mét khối nước thải cần bao nhiêu tiền và lấy từ đâu.
Theo đó, cả Nhà nước và người dân cùng chi trả cho giá đó. Do đó, cần có một lộ trình để tiến dần lên với giá tính đúng, tính đủ. Tuy nhiên, trong Nghị định 80 có nêu là đối với người có công, các đối tượng chính sách xã hội Nhà nước có chính sách riêng.
Do đó, dần dần chúng ta phải đưa việc Nhà nước, doanh nghiệp và người dân có sự sòng phẳng với nhau. Đồng thời, Nhà nước phải có sự giám sát, kiểm tra đối với các doanh nghiệp vấn đề này.
- Vậy để có thể xã hội hóa lĩnh vực thoát nước thì Nhà nước cần hỗ trợ như thế nào, thưa ông?
- Việc xã hội hóa là cần thiết. Nhưng xã hội hóa ở khâu nào thì cần phải xác định. Phần lớn nhà đầu tư chỉ muốn đầu tư vào nhà máy, quản lý vận hành chứ không muốn đầu tư hệ thống thoát nước vì đầu tư hệ thống mạng lưới liên quan đến giải phóng đền bù, liên quan kết nối hộ gia đình là cực kỳ khó khăn. Cho nên Nhà nước sẽ đầu tư nhà máy, sau đó đấu thầu quản lý vận hành.
Chúng ta phải hoàn thiện dần các hình thức này, hoàn thiện từ trách nhiệm đến hệ thống kinh tế, kỹ thuật, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn. Chính sách tại Việt Nam tương đối đầy đủ ( đất đai có, ưu đãi đầu tư có, ưu đãi thuế, môi trường) chỉ còn là việc triển khai thực hiện đang có khoảng cách nhất định nên cần tiếp tục.
Chúng ta đã có đủ khả năng để xã hội hóa lĩnh vực này chỉ cần hoàn thiện thêm để các chính sách khả thi hơn. Cần giảm thiểu các thủ tục hành chính và hiện thực hóa các chính sách đang có.
Đồng thời, hình thức đầu tư và quản lý phải hoàn thiện hơn, trong đó Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc đầu tư xây dựng và khuyến khích các thành phần tham gia vào. Tôi cho rằng, không nên để cho doanh nghiệp thỏa thuận với nhân dân sẽ không hài hòa được và dễ gây xung đột.
- Xin cám ơn ông!
Nguyễn An
Cover by: ThS. Nguyễn Hữu Tuyên, PGĐ VINACEE Việt Nam/ Mobile: 0942226986
Viết bình luận
Bạn đã gửi bình luận thành công. Xin cảm ơn!