Bạn là một cá thể tự do, hãy tận dụng điều đó

Bạn là một cá thể tự do, hãy tận dụng điều đó

Scott Belsky, nhà sáng lập Behance.

Khi nói đến sự nghiệp và kinh nghiệm làm việc của bản thân, chúng ta thường trở nên ích kỷ – một cách tích cực. Được trả lương thôi không đủ; chúng ta còn mong đợi được học hỏi thực sự trong công việc. Chúng ta muốn những kỹ năng của mình được tận dụng triệt để và thường không thoả mãn với “những việc dễ dàng”. Chúng ta muốn có thêm trách nhiệm khi sẵn sàng, thay vì chờ cho tới khi được “đặt trách nhiệm lên vai”. Chúng ta mong đợi được làm nhiều hơn những việc mình ưa thích, tự động xử lý những khó khăn và sự đơn điệu trong công việc của bản thân.

Chúng ta là những người đầy tham vọng nhưng thiếu kiên nhẫn. Bởi chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mà ở đó chúng ta được trao quyền để khơi gợi, tận dụng hết những tiềm năng của bản thân. Nhưng cơ hội và thành công không đến từ cảm giác về quyền hạn. Khả năng bạn nhận ra tiềm năng của bản thân sẽ phụ thuộc vào sự sẵn sàng mài giũa các kỹ năng, chấp nhận đương đầu với những rủi ro vô cùng lớn và đặt cái tôi sang một bên để theo đuổi những gì lớn lao hơn.

Cho dù đó là công nghệ mới, mạng xã hội hay các công cụ kinh doanh đã từng một thời nằm ngoài tầm với, giờ đều sẽ nằm trong tay bạn. Chúng ta thực sự được trao quyền để làm việc theo cách của riêng mình và làm nhiều hơn với lượng thời gian ít hơn. Và kết quả là, chúng ta mong đợi nhiều hơn từ cấp trên cũng như từ chính bản thân. Khi có được nguồn lực và cơ hội xứng đáng được hưởng, chúng ta sẽ tạo ra tương lai.

Đây là cái tên dành cho chúng ta: Những cá thể tự do

Những cá thể tự do muốn gây dựng sự nghiệp bằng chính đôi tay của mình và khiến cả thế giới phải phục vụ họ. Họ biết thích nghi với mọi hoàn cảnh, luôn tự lực cánh sinh và vô cùng mạnh mẽ. Bạn sẽ thấy họ làm việc độc lập, trong những nhóm nhỏ hoặc những công ty lớn. Và khi thế giới thay đổi, những cá thể này sẽ định hình lại “công việc” như chúng ta đã biết. Rõ ràng, chúng ta có những kỳ vọng quá lớn.

Đầu tiên và quan trọng nhất, chúng ta làm những việc mà về bản chất là đáng làm.

 

Nhưng chúng ta không tạo ra thành quả cho riêng mình mà muốn làm ảnh hưởng thiết thực và lâu dài đến thế giới xung quanh ta.

Chúng ta tập trung phát triển sự linh hoạt và đạt được hiệu quả cao nhất khi cảm thấy gắn bó chặt chẽ với công việc. Chúng ta cần tự do, dù cho đang đi làm thuê cho các công ty hay tự kinh doanh, để tiến hành những thử nghiệm, tham gia vào nhiều dự án cùng lúc và hiện thực hóa các ý tưởng.

Chúng ta thực thi các ý tưởng thường xuyên và do đó cũng thất bại thường xuyên. Về cơ bản, những vấp ngã sẽ giúp chúng ta đi đúng hướng và hãy xem mỗi thất bại là một cơ hội học hỏi, một phần trong bài học thực tế dành cho bản thân.

Chúng ta không khoan nhượng trước những va chạm của bộ máy quan liêu, các mạng lưới cũ và những hoạt động kinh doanh lỗi thời. Chúng ta thường đặt câu hỏi về “thủ tục vận hành tiêu chuẩn” và đòi quyền lợi cho bản thân. Nhưng ngay cả khi điều đó là bất khả thi, chúng ta cũng không để cho hiện trạng chi phối, thay vào đó, chúng ta tìm ra những cách thức thông minh xoay quanh vấn đề đó.

Chúng ta mong đợi được trọng dụng hết mức và đánh giá một cách lạc quan, bất chấp chúng ta đang làm việc trong một công ty khởi nghiệp hay một tổ chức lớn. Khi đóng góp của chúng ta và việc học hỏi bão hòa, chúng ta rời đi. Nhưng khi thúc đẩy các nguồn lực của một công ty lớn để tác động đến thứ chúng ta quan tâm, chúng ta thường sẽ rất hào hứng! Chúng ta luôn muốn nỗ lực hết mình và tạo được ảnh hưởng lớn nhất có thể.

Chúng ta coi công nghệ nguồn mở, API – Giao diện lập trình ứng dụng và khối lượng kiến thức khổng lồ về Internet là kho vũ khí của riêng mình. Wikipedia, Quora và những cộng đồng mở cho các nhà thiết kế, những nhà phát triển và các nhà tư tưởng được chúng ta xây dựng và nhằm phục vụ chúng ta. Bất cứ khi nào có thể, chúng ta tận dụng kiến thức tập hợp được để đưa ra quyết định tốt hơn cho bản thân và khách hàng của mình. Chúng ta cũng đóng góp vào các nguồn tài nguyên mở này với một tâm thức “đáp đền tiếp nối”.

Chúng ta tin rằng “networking” là sự sẻ chia. Mọi người nghe (và làm theo) chúng ta vì sự sáng suốt và năng lực quản lý của mình. Khi chia sẻ những thành quả cũng như những gì hấp dẫn mình, chúng ta đã thực sự tao ra một cộng đồng những người ủng hộ, họ mang lại cho chúng ta những phản hồi, sự khích lệ và đưa đường chỉ lối chúng ta đến với những cơ hội mới. Vì lý do này và nhiều lý do khác, chúng ta thường (dù không phải lúc nào cũng vậy) chọn lựa sự minh bạch thay vì sự riêng tư.

Chúng ta tin vào chế độ nhân tài và sức mạnh của các mạng lưới trực tuyến cũng như các cộng đồng chia sẻ nhằm nâng cao khả năng làm những điều chúng ta yêu thích và đạt được hiệu quả cao hơn nhờ làm tốt chúng. Chúng ta xem cạnh tranh như một động lực tích cực thay vì một mối đe dọa, bởi chúng ta muốn có các ý tưởng tuyệt vời – và thực hiện chúng tốt nhất có thể – để thành công.

Chúng ta dành hết nhiệt huyết sống để làm những gì chúng ta yêu thích. Chúng ta coi mình vừa là nghệ sỹ vừa là doanh nhân. Trong nhiều trường hợp, chúng ta tự cho mình là kế toán, đại diện marketing, giám đốc phát triển kinh doanh, chuyên viên đàm phán kiêm nhân viên bán hàng. Chúng ta dành nhiều năng lượng cần thiết để đầu tư vào bản thân như là các hoạt động kinh doanh – tận dụng những công cụ và kiến thức (hầu hết là miễn phí và trực tuyến) một cách tối ưu để vận hành bản thân như một doanh nghiệp hiện đại.

Sưu tầm

Ban thư kỹ VINACEE cảm ơn bạn đọc đã theo dõi

 

Viết bình luận

Bạn đã gửi bình luận thành công. Xin cảm ơn!