Quản lý tài nguyên nước lưu vực sông Nhuệ - Đáy
Hiện nay, phần lớn các sông chảy qua đô thị ở Việt Nam đang bị ô nhiễm nặng. Việc xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật nói chung, đặc biệt là các công trình cấp thoát nước, thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn (CTR) ở Việt Nam chưa theo kịp sự phát triển của các khu dân cư và khu công nghiệp. Kết quả là CTR và nước thải chứa chất bẩn hữu cơ, chất dinh dưỡng và chất độc hại chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn cho phép đã thải ra môi trường và các con sông. Từ những kinh nghiệm của các nước trên thế giới và thực tiễn trong nước, các nhà nghiên cứu và các cơ quan, tổ chức bảo vệ môi trường (BVMT) của Việt Nam đã nhận thấy rằng phải áp dụng các biện pháp quản lý tổng hợp tài nguyên nước và tăng cường quản lý chất thải để đảm bảo tính bền vững trong việc sử dụng tài nguyên nước.
Trong thời gian từ năm 2005 - 2006, Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ môi trường đã tiến hành nghiên cứu “Xây dựng và triển khai mô hình xử lý chất thải sinh hoạt của các cụm dân cư dọc lưu vực sông”. Đây là dự án do Cục BVMT (Bộ TN&MT) cấp vốn và quản lý nhằm hướng tới thực hiện kế hoạch xử lý triệt để các nguồn thải dọc các lưu vực sông, qua đó góp phần BVMT và phát triển bền vững của Việt Nam. Dự án đã xây dựng mô hình trình diễn quản lý chất thải sinh hoạt cụm dân cư tại hai xã Tả Thanh Oai và Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Nằm 2 bên bờ sông Nhuệ, quanh điểm nhập lưu sông Tô Lịch vào sông Nhuệ tại Cầu Tó, thuộc địa bàn ranh giới Hà Nội và Hà Tây, đây là địa điểm “nóng” về vấn đề ô nhiễm môi trường liên tỉnh.
Những vấn đề môi trường do diễn biến dân cư - đô thị hóa trong lưu vực
Lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy nằm ở hữu ngạn sông Hồng với diện tích tự nhiên 7.665 km2. Năm 2005, dân số sống trong vùng xấp xỉ 10 triệu người, trong đó có khoảng 3 triệu dân đô thị. Lưu vực bao gồm 1 thành phố, 47 thị xã, thị trấn, 44 quận huyện và hơn 990 xã, phường thuộc địa phận hành chính của một phần thủ đô Hà Nội, các tỉnh Hòa Bình, Hà Tây, Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình.
Kết quả khảo sát, nghiên cứu năm 2005 cho thấy, tổng lượng nước khai thác ít nhất là 999.630 m3/ngày, trong đó tại các đô thị tập trung khoảng 800.000 m3/ngày. Tổng lượng nước thải khoảng 700.000 m3/ngày, trong đó tại các khu vực đô thị và công nghiệp khoảng 550.000 m3/ngày (Hà Nội: 458.000 m3/ngày, thị xã Hà Đông: 16.000 m3/ngày, thị xã Phủ Lý: 8.000 m3/ngày, thành phố Nam Định 35.000 m3/ngày, thị xã Ninh Bình: 15.000 m3/ngày, các làng nghề Hà Tây 3.000 m3/ngày) và nước thải từ các thị trấn Hòa Mạc, Đồng Văn, Vĩnh Trụ... Gây ô nhiễm sông Nhuệ - sông Đáy còn có nguồn thải từ nông nghiệp, giao thông vận tải. Lượng dầu mỡ từ giao thông vận tải thủy rơi vãi xuống nước khoảng 2,5 tấn. Tải lượng ô nhiễm toàn vùng theo SS là 300 tấn/ngày, theo BOD là 200 tấn/ngày. Lượng nước thải ở 2 xã này khoảng 4.600 m3/ngày. Tổng lượng CTR là 4.341,9 tấn/ngày, trong đó lượng CTR đô thị là 2.984,7 tấn/ngày (thu gom được 1.699,5 tấn/ngày). Trên địa bàn nghiên cứu, lượng CTR ở 2 xã khoảng 17 tấn/ngày (Tả Thanh Oai: 11,704 tấn/ngày; Hữu Hòa: 5,341 tấn/ngày) và lượng phân gia súc, gia cầm thải ra ở Tả Thanh Oai là 58,2 tấn/ngày, Hữu Hòa 24,9 tấn/ngày.
Qua khảo sát trên cho thấy, nước thải và CTR đổ bừa bãi đã dẫn tới những tác hại về môi trường và sức khỏe người dân ở địa phương. Nước sông Nhuệ bị ô nhiễm nặng ảnh hưởng xấu đến vùng hạ lưu và sông Đáy.
Về ô nhiễm nguồn nước: Đối với nước sông Nhuệ tại Cầu Tó, hàm lượng ôxy hòa tan (DO) tại các vị trí lấy mẫu đều không đạt tiêu chuẩn cho phép. Hàm lượng chất rắn lơ lửng (SS) vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,04 - 1,2 lần, COD vượt 1,2 - 1,3 lần, BOD5 vượt 1 - 1,2 lần, coliform vượt 1,4 - 1,7 lần tiêu chuẩn cho phép. Môi trường nước dưới đất đã có dấu hiệu bị ô nhiễm bởi hàm lượng các yếu tố: độ cứng, S04-, Cl-, tổng sắt và fecal coliform. Hàm lượng các yếu tố này tại các giếng khoan thuộc Thanh Trì, Hà Nội và Hà Đông cao hơn cả. Môi trường nước tại các tầng chứa nước: Holocen, Pleistocen đã có dấu hiệu bị ô nhiễm bởi các chất dinh dưỡng như: PO43-, NO2-, NH4+ và các yếu tố vi lượng như: Al3+, Mn, đặc biệt là As.
Về CTR: Kết quả nghiên cứu cho thấy, hầu hết các đô thị ven sông đều chưa có hệ thống thu gom hoàn thiện, do vậy hiệu quả thu gom thấp, vào khoảng 40 - 70% tổng lượng CTR phát sinh ở các thành phố lớn, còn ở đô thị nhỏ tỷ lệ này chỉ vào khoảng 20 - 40%. Tỷ lệ thu gom chung vào khoảng 53%. Tại khu vực hai xã Tả Thanh Oai và Hữu Hòa, tỷ lệ thu gom được cũng rất khác nhau do ảnh hưởng của vị trí địa lý và hạ tầng đường giao thông. Tỷ lệ CTR thu gom được của Tả Thanh Oai khoảng 50%, ở Hữu Hòa tỷ lệ này chỉ khoảng 30%.
Kết quả triển khai mô hình trình diễn xử lý chất thải sinh hoạt của các cụm dân cư dọc lưu vực sông
Nhằm bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, dự án đã đề xuất, kiến nghị các biện pháp thể chế, chính sách, quản lý môi trường với sự tham gia của cộng đồng địa phương. Bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước, các nguồn vốn khác nhau cũng được huy động để thực hiện nhiệm vụ và duy trì các mô hình triển khai như ngân sách địa phương, huy động đóng góp của nhân dân địa phương (vốn, ngày công, cơ sở vật chất...) và từ các dự án hợp tác quốc tế (Dự án hợp tác với Thụy Sỹ).
Ngoài ra, dự án cũng kiến nghị các mô hình công nghệ xử lý nước thải, CTR sinh hoạt và sản xuất tiểu thủ công - làng nghề nhằm giảm thiểu ô nhiễm lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy như: nước thải được thu gom và xử lý tối đa tại quy mô hộ gia đình, với các công nghệ chi phí thấp, phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương, hộ gia đình, hoặc theo phương thức tách các dòng vật chất tối đa và hướng tới tái sử dụng nước thải, chất dinh dưỡng an toàn trong trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, khí sinh học trong sinh hoạt, sản xuất. Các giải pháp kỹ thuật được ưu tiên đề xuất là: bể biogas xử lý chất thải sinh hoạt và chăn nuôi, bể tự hoại cải tiến (BASTAF).
Công nghệ xử lý CTR bao gồm: chế biến phân vi sinh, tái chế CTR vô cơ, chôn lấp hợp vệ sinh và xử lý CTR công nghiệp, tiến tới sử dụng công nghệ đốt. Trước mắt là triển khai thu gom CTR sinh hoạt tại nguồn, phân loại tại nguồn, chế biến phân vi sinh từ rác thải hữu cơ tại trạm chế biến phân vi sinh (compost) ở quy mô xã hoặc thôn. Sản phẩm phân vi sinh sẽ được nghiên cứu nâng cao chất lượng để thương mại hóa, sử dụng làm phân bón cho cây trồng, cải tạo đất.
Đồng thời, dự án đã triển khai các chương trình tập huấn, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về xử lý chất thải và BVMT cho hàng trăm lượt cán bộ và nhân dân 2 xã. Các nhóm mục tiêu của chương trình tập huấn được xác định theo từng nhóm loại cán bộ và tuyên truyền rộng rãi cho đông đảo nhân dân ở các thôn, xóm qua các cuộc họp cộng đồng, các buổi phát thanh về quản lý chất thải, BVMT của UBND xã. Dự án cũng đã xây dựng được 2 mô hình trình diễn xã hội hóa xử lý nước thải và CTR tại 2 xã Tả Thanh Oai và Hữu Hòa. Cụ thể là xây dựng được hai bể xử lý nước thải cho hai cụm dân cư và một trạm phân loại, chế biến phân mùn hữu cơ từ CTR hữu cơ của địa phương. Nước thải sau bể xử lý đạt tiêu chuẩn xả vào nguồn nước loại B theo TCVN 5945-2005. Mặc dù vốn đầu tư xây dựng thấp nhưng hiệu quả xử lý đạt rất cao, đến 70 - 80% tải lượng ô nhiễm. Phân mùn ủ từ CTR hữu cơ được dùng để trồng cây cảnh và cải tạo đất đạt kết quả rất tốt, qua đó giảm được lượng CTR cần phải chôn lấp hàng ngày. Để hỗ trợ vận hành các giải pháp công nghệ và công trình, dự án đã phối hợp với chính quyền xã, tham vấn cộng đồng và xây dựng được 2 bản quy chế và cam kết về quản lý chất thải và BVMT áp dụng thử ở 2 xã. Việc áp dụng này đã có kết quả tốt và được nhân dân đồng tình hưởng ứng.
Nhìn chung, vấn đề quản lý tổng hợp chất thải sinh hoạt và BVMT theo lưu vực sông với sự tham gia của cộng đồng còn mới mẻ và khá phức tạp đối với nước ta, đòi hỏi phải được tiếp tục hoàn thiện cả về mặt phương pháp luận lẫn thực tiễn. Để việc triển khai có hiệu quả và bền vững các giải pháp công nghệ xử lý chất thải đã đề xuất và trình diễn, rất cần có sự quan tâm đầu tư của các cơ quan quản lý môi trường địa phương, sự đồng tình ủng hộ và tự giác thực hiện của nhân dân địa phương, ngoài ra không thể thiếu sự tư vấn từ các nhà khoa học.
Qua dự án này cho thấy, để quản lý và xử lý chất thải sinh hoạt các cụm dân cư lưu vực sông tốt hơn, cần tuyên truyền phổ biến về mức độ ô nhiễm, diễn biến ô nhiễm, những vấn đề môi trường bức xúc do chất thải sinh hoạt, giải pháp cho lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy và kết quả xây dựng mô hình điểm ở hai xã Tả Thanh Oai và Hữu Hòa đến các cấp, các ngành, các địa phương. Bên cạnh đó, Bộ TN&MT và các cấp có thẩm quyền tiếp tục tạo điều kiện triển khai xây dựng và nhân rộng nhiều hơn các mô hình xã hội hóa xử lý chất thải sinh hoạt tại các khu dân cư dọc các lưu vực sông khác của Việt Nam.
TG. Trần Hiếu Nhuệ - Trung tâm kỹ thuật môi trường đô thị và khu công nghiệp