Quản lý nước thông minh tại Việt Nam xu thế tất yếu 2020 - 2030
Ngày 8/8 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo ngành nước do Công ty UBM Asia tổ chức dưới sự chủ trì của Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA) và hỗ trợ của Bộ Xây dựng.
Với chủ đề quản lý nước thông minh hướng tới phát triển bền vững, tại hội thảo, các chuyên gia hàng đầu trong ngành chia sẻ, cung cấp nhiều thông tin chi tiết về chính sách, công nghệ quản lý nước thông minh hướng tới phát triển bền vững. Ðây là sự kiện kết hợp giữa hội thảo và giao lưu kết nối kinh doanh.
Chủ tịch VWSA Cao Lại Quang nhận xét, quản lý nước thông minh hướng tới phát triển bền vững là vấn đề lớn thu hút sự quan tâm của cả xã hội. Tuy đạt được nhiều kết quả tích cực, song ngành nước Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn, bất cập.
Đặc biệt là Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như: gia tăng dân số đô thị, ngân sách hạn hẹp, năng lực quản lý vận hành chưa cao, ô nhiễm nguồn nước, những cực đoan của biến đổi khí hậu như hạn hán, lũ lụt, úng ngập, xâm nhập mặn…
Trước những hạn chế, khó khăn và thách thức đó, ngành nước Việt Nam đã và đang tập trung ưu tiên hơn cho việc đổi mới chính sách, thu hút các nguồn lực cho đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn lực, đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Một số doanh nghiệp đầu đàn đã áp dụng nhiều giải pháp quản lý nước thông minh hướng tới cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Để nhân rộng, giúp doanh nghiệp cấp thoát nước vượt qua những khó khăn, thách thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ cấp thoát nước thì việc đẩy mạnh áp dụng các giải pháp quản lý nước thông minh hướng tới phát triển bền vững là xu thế tất yếu và cần thiết – ông Cao Lại Quang khẳng định.
Theo Tiến sỹ Mai Thị Liên Hương – Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), cả nước hiện có hơn 500 hệ thống cấp nước đô thị với tổng công suất 8,7 triệu m3/ngày đêm.
Hiện có 85,5 dân cư đô thị được cung cấp nước qua hệ thống cấp nước tập trung; 70% hệ thống cấp nước đô thị đảm bảo cấp nước 24/24h và 30% còn lại chỉ cấp từ 8-20h/ngày đêm. Đáng chú ý, tỷ lệ thất thoát nước sạch tại Việt Nam vẫn cao, bình quân 22,5%.
Lĩnh vực cấp thoát nước đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, trong khi đó, ngân sách hạn hẹp nên không thể chỉ trong đợi từ nguồn đầu tư này.
Để giải quyết vấn đề nguồn lực, ông Paul Smith – Giám đốc Hợp tác quốc tế (Hội nước Australia) cho rằng, các đối tác trong khối tư nhân có thể mang lại những cải tiến cho ngành nước. Tuy nhiên, phần lớn những cải cách lại chỉ tập trung vào cơ chế, quy định, trong khi vẫn tồn tại nhiều thách thức.
Chính phủ nhiều nước trên thế giới đã sử dụng hình thức mô hình hợp tác công tư (PPP) trong hơn 20 năm qua vì 3 lý do.
Trước tiên là đáp ứng nhu cầu đang gia tăng trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ liên quan đến cơ sở hạ tầng; tiếp đó, bằng cách chuyển đổi gánh nặng tài chính sang nhà đầu tư tư nhân, PPP giúp Chính phủ làm được nhiều việc hơn mà không tốn nhiều nguồn lực; đặc biệt, PPP góp phần thúc đẩy hiệu quả trong cung cấp dịch vụ - ông Paul Smith dẫn chứng.
Theo đó, PPP không phải là câu trả lời cho các yếu điểm trong xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc cung cấp dịch vụ công.
Những mô hình PPP thành công đòi hỏi việc phân bổ rủi ro cẩn trọng và môi trường tạo điều kiện. Có rất nhiều lựa chọn mô hình PPP, mỗi lựa chọn có mức độ tham gia của khối tư nhân khác nhau.
Tuy nhiên, mỗi quốc gia khác nhau sẽ có những lựa chọn để phù hợp với tình hình thực tế, nguồn lực… nhưng đều hướng tới mục tiêu quản lý nước một cách thông minh hướng nhằm tới sự phát triển bền vững.
Đại diện Công ty UBM Asia cho biết, hội thảo này nằm trong chuỗi chương trình sự kiện trước thềm triễn lãm VIETWATER 2018 diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh từ 7-9/11 thu hút sự tham gia của 500 đơn vị đến từ 41 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đây là cơ hội để các đơn vị kết nối, giới thiệu giải pháp, công nghệ và sản phẩm mới nhất của ngành công nghiệp nước./.
Thu Hằng/BNEWS/TTXVN
Viết bình luận
Bạn đã gửi bình luận thành công. Xin cảm ơn!