Công nghệ xử lý nước thải phi tập trung (phân tán) - Ưu điểm và khả năng áp dụng nhân rộng

Thoát nước và xử lý nước thải là một trong những nội dung quan trọng của công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị. Các địa phương của Việt Nam đang đối mặt với vấn đề thoát nước, ngập úng và xử lý nước thải đặc biệt biến đổi khí hậu ngày nay cũng đang tác động không nhỏ tới lĩnh vực này.

Thực trạng thoát nước và thu gom nước thải ven đô

Hệ thống thoát nước tại các đô thị đa phần là hệ thống thoát nước chung cho 3 loại nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất và nước mưa được đầu tư xây dựng qua nhiều thời kỳ khác nhau, không hoàn chỉnh, đồng bộ, nhiều tuyến cống xuống cấp nên khả năng tiêu thoát nước thấp. Nhiều đô thị tỉnh lị việc xây dựng các đường ống xử lý nước thải còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ các hộ đấu nối vào mạng lưới thoát nước đô thị nhiều nơi còn rất thấp.

Tình trạng nước thải sinh hoạt, sản xuất được xử lý sơ bộ qua bể tự hoại sau đó theo các tuyến cống và xả trực tiếp ra môi trường, thậm chí xả thẳng vào nguồn tiếp nhận đúng “nguyên bản”, không xử lý vẫn diễn ra hàng ngày ở cả đô thị và nông thôn. Trong nhiều năm qua một số thành phố lớn hệ thống thoát nước đã được nâng cấp cải tạo, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân không đáp ứng yêu cầu. Tình trạng ngập úng đô thị diễn ra thường xuyên đặc biệt vào mùa mưa. Ngập úng gây ra tình trạng ùn tắc giao thông, đảo lộn cuộc sống bình thường, ảnh hưởng đến sản xuất, lưu thông hàng hóa …

Nhiều khu đô thị mới, mặc dù nước thải sinh hoạt đã được tách khỏi nước mưa từ ngay trong công trình, nhưng do sự phát triển không đồng bộ và sự gắn kết hạ tầng kỹ thuật xung quanh như kết nối với hệ thống thoát nươc, cao độ nền, kết nối giao thông còn quá nhiều hạn chế dẫn đến hoạt động của hệ thống thoát nước không hiệu quả và hiện tượng ngập úng cũng như ô nhiễm môi trường do nước thải tại các khu đô thị này diễn ra ngày càng tăng.

Một số mô hình xử lý nước thải phi tập trung phổ biến hiện nay. 

Hiện nay phổ biến có 2 mô hình đó là mô hình tập trung hay phi tập trung:

Mô hình tập trung thường được xây dựng cho các đô thị có mật độ dân số cao, có điều kiện xây dựng đồng bộ. Tuy nhiên mô hình này có nhiều hạn chế do chi phí đầu tư đối với quản lý nước thải cao, nhất là chi phí đầu tư cho hệ thống thu gom và chi phí cho công tác vận hành và bảo dưỡng…Trong khi đó mô hình xử lý nước thải phi tập trung đặc biệt áp dụng cho các khu đô thị mới, các khu dân cư, các vùng ven đô, nông thôn, làng nghề đó là những nơi không các khả năng hoặc chưa thể kết nối với hệ thống thoát nước tập trung , giải pháp này cho phép sử dụng các phương pháp xử lý tại chỗ , riêng lẻ cho từng hộ thoát nước hay kết hợp , trong điều kiện tự nhiên một cách lâu dài và mô hình này đang tỏ ra có nhiều ưu điểm :

- Về công nghệ: Xử lý nước thải phi tập trung chủ yếu dựa vào các giải pháp phòng ngừa thay vì đối phó với các tình hướng. Tận dụng được sự đầu tư từ các hộ thoát nước. Cho phép sử dụng các giải pháp công nghệ đơn giản chi phí thấp.

- Về môi trường: Trong hệ thống xử lý, lưu lượng tại các điểm đều nhỏ nên khi có sự cố giảm thiểu rủi ro cho môi trường. Lợi dụng địa hình có sẵn để giảm chi phí vận hành (ví dụ lợi dụng độ dốc để duy trì dòng chảy nhờ áp lực thủy tĩnh),

- Về tài chính: Chi phí xây dựng hệ thống thu gom nước thải thấp, ít gây xáo trộn về hạ tầng có sẵn (đường xá, nhà cửa, các công trình xây dựng mà hệ thống thu gom chạy qua). Tiết kiệm chi phí bằng cách đầu tư từng bước, từng phần, phát triển quy mô, địa bàn theo yêu cầu thực tế.

Với thời gian thiết kế, thi công ngắn, sử dụng nguyên liệu và nhân công địa phương, mô hình xử lý nước thải phi tập trung được nhiều nước trên thế giới áp dụng.

Các quy định của pháp luật có liên quan đến quản lý xử lý nước thải phi tập trung. Ngày 3/4/2015 Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 04/2015/TT-BXD đã quy định cụ thể hướng dẫn quản lý xử lý nước thải phi tập trung đó là:

- Xử lý nước thải phi tập trung tại chỗ thường được áp dụng đối với các hộ thoát nước riêng lẻ với tổng lượng nước thải dưới 50m3/ngày.đêm và thiết bị/trạm xử lý nước thải được đặt ngay tại khuôn viên của hộ thoát nước.

- Xử lý nước thải phi tập trung theo cụm thường được áp dụng đối với các hộ thoát nước ở gần nhau với tổng lượng nước thải từ 50 m3/ngày.đêm đến 200 m3/ngày.đêm. Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, trạm xử lý nước thải có thể được đặt tại khuôn viên của một hộ thoát nước hoặc ở một vị trí riêng biệt, thuận lợi để thu gom nước thải từ các hộ thoát nước.

Xử lý nước thải phi tập trung theo khu vực thường được áp dụng trong một địa giới hành chính nhất định với tổng lượng nước thải từ 200 m3/ngày.đêm đến 1000 m3/ngày.đêm và vị trí của trạm/nhà máy xử lý nước thải theo quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch thoát nước phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Việc lựa chọn công nghệ để xử lý nước thải phi tập trung phải tuân thủ theo các quy định cụ thể như quy mô công suất trạm/nhà máy xử lý nước thải, thành phần và tính chất nước thải phát sinh, mức độ ô nhiễm, sức chịu tải nguồn tiếp nhận, vị trí xả nước thải sau xử lý từ nơi phát sinh nước thải. Công nghệ xử lý nước thải phải đảm bảo các yêu cầu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng nước thải sau xử lý. Đảm bảo điều kiện về kỹ thuật, tài chính và năng lực quản lý, vận hành trạm/nhà máy xử lý nước thải, điều kiện về khí hậu, địa hình, địa chất công trình, địa chất thủy văn. Ngoài ra, công nghệ xử lý nước thải có khả năng mở rộng hoặc nâng công suất và khả năng kết nối với hệ thống xử lý nước thải tập trung trong tương lai và các yếu tố khác về môi trường có liên quan.

Các công nghệ áp dụng để thực hiện xử lý nước thải phi tập trung gồm: Bể tự hoại, bể lọc kỵ khí có vách ngăn, bể tự hoại cải tiến có vách ngăn và ngăn lọc kỵ khí dòng hướng lên, hồ kỵ khí, hồ hiếu-kỵ khí, hồ ổn định, bãi lọc trồng cây, bể phản ứng theo mẻ và các công nghệ khác.

Một số kết quả bước đầu: Mô hình xử lý nước thải phi tập trung đã áp dụng và có những kết quả nhất định được thực hiện ở thị trấn Chợ Rã, Chợ Mới (Bắc Kạn), Nước Hai (Cao Bằng), Minh Đức (Hải Phòng), An Bài (Thái Bình) trong khuôn khổ Chương trình Nước và vệ sinh cho các thị trấn nhỏ của Chính phủ Phần Lan. Ở tại làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội (YWAM NGO và Bộ TN&MT, 2007), hệ thống xử lý nước thải phân tán cho nhóm hộ gia đình ở thôn Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội (EAST Việt Nam – ADB, 2012), làng Viêm Xá, thành phố Bắc Ninh, trường học ở thành phố Vinh và chợ ở thành phố Cần Thơ (Chương trình Quản lý nước thải và rác thải, GIZ, 2010-2013), bệnh viện Nhi Thanh Hóa, một số làng nghề, cơ sở giết mổ gia súc v.v.

Mặc dù đã có những quy định và thành công bước đầu xong áp dụng mô hình xử lý nước thải phi tập trung cũng còn nhiều khó khăn và thách thức như: lựa chọn công nghệ như thế nào để phù hợp, chất lượng thiết kế và thi công công trình, quy trình thẩm định, tỷ lệ đấu nối hộ gia đình thấp, tài chính bền vững, năng lực vận hành - bảo trì, giám sát, theo dõi và kiểm soát của địa phương đồng thời sự tham gia của cộng đồng dân cư nơi dự án triển khai thực hiện. Một trong những khó khăn hiện nay cũng đang làm hạn chế việc áp dụng mô hình này là Quy chuẩn kỹ thuật về nước thải xử lý phi tập trung xả vào nguồn tiếp nhận chưa được Bộ Tài nguyên Môi trường ban hành theo quy định tại khoản 5 Điều 4 của Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 6/8/2014 của Chính phủ. (XEM THÊM)

Tóm lại: Vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước đang ngày càng trầm trọng đặc biệt thiếu nguồn lực trong đầu tư phát triển hệ thống thoát nước tập trung thì áp dụng mô hình xử lý nước thải phi tập trung đang là một trong các giải pháp quan trong góp phần khắc phục những hạn chế trên. Thành công của việc áp dụng mô hình này phụ thuộc vào hoàn thiện thể chế, ban hành quy chuẩn/tiêu chuẩn, cơ chế quản lý và các chính sách ưu đãi hỗ trợ có liên quan.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến

Viết bình luận

Bạn đã gửi bình luận thành công. Xin cảm ơn!