Công nghệ xử lý nước thải bệnh viện - phòng khám đa khoa

Quy trình xử lý nước thải bệnh viện chuẩn

Một hệ thống xử lý nước thải bệnh viện đúng chuẩn cần phải qua nhiều quy trình khác nhau để đảm bảo nồng độ các chất ô nhiễm xuống mức thấp nhất. Nước thải phát sinh trong quá trình sinh hoạt của bệnh nhân, công nhân viên; từ quá trình phẫu thuật, điều trị, khám chữa bệnh, xét nghiệm, X quang, hóa trị,… được gọi chung là nước thải bệnh viện. Đây là loại thải chứa nhiều vi khuẩn mang mầm bệnh nguy hiểm cũng như nồng độ các chất kháng sinh, chất độc hại cao. Chính vì vậy, theo quy định của QCVN 28:2010/BTNMT, nước thải sau khi xử lý phải đạt được các thông số theo bảng quy chuẩn sau:

Thuyết minh công nghệ xử lý nước thải bệnh viện

Nước thải phát sinh trong bệnh viện theo mạng lưới thoát nước thải riêng dẫn đến bể tiếp nhận của hệ thống xử lý nước thải.

Bể tiếp nhận được thiết kế đảm bảo thu gom toàn bộ lượng nước thải phát sinh và được đặt âm sâu để tránh tắc nghẽn nước từ bệnh viện. Trong bể có lắp đặt tách rác thô có nhiệm vụ loại bỏ các chất có kích thước lớn, các loại rác thô bao bì, vải, ni lông… có trong nước thải có thể gây tắc nghẽn đường ống làm hư hại máy bơm và làm giảm hiệu quả xử lý của giai đoạn sau.

Bơm chìm trong bể tiếp nhận hoạt động luân phiên nhằm bơm nước thải lên tách rác tinh (kích thước khe hở 2mm) để loại bỏ các tạp chất, rác có kích thước nhỏ trước khi vào bể tách dầu. Các loại rác nhỏ này sẽ ảnh hưởng đến bơm cũng như hệ vi sinh phía sau nếu không được loại bỏ ra khỏi nước thải.

Tại bể tách dầu, lượng dầu, chất hoạt động bề mặt có tỉ trọng riêng nhẹ hơn so với nước sẽ nổi lên trên bề mặt và được vớt định kỳ ra khỏi nước thải, thu về thùng chứa dầu mỡ và đem xử lý định kỳ. Lượng dầu, váng nổi này nếu không được xử lý sẽ làm ảnh hưởng đến đường ống, nghẹt bơm và giảm hiệu quả xử lý của các công trình sinh học phía sau (vì các chất này hạn chế khả năng sử dụng chất hữu cơ của vi sinh vật). Nước thải sau bể tách dầu tiếp tục tự chảy sang bể điều hòa.

Bể điều hòa có chức năng điều hòa lưu lượng, thành phần và nồng độ nước thải, tránh gây hiện tượng quá tải cho vi sinh vật trong các bể phía sau. Điều này giúp tạo chế độ làm việc ổn định, cải thiện hiệu quả; đồng thời giảm kích thước, giá thành các công trình đơn vị phía sau, tránh tình trạng quá tải vào các giờ cao điểm. Trong bể điều hòa có bố trí hệ thống sục khí chìm nhằm mục đích xáo trộn đều nước thải, tránh sự lắng cặn trong bể và phân hủy kỵ khí gây mùi hôi và giảm một phần các chất hữu cơ có trong nước thải. Nước thải sau điều hoà được bơm đến công trình xử lý tiếp theo là bể Anoxic.

Bể Anoxic là nơi tiếp nhận nước thải từ bể điều hoà và dòng dung dịch xáo trộn (bùn hoạt tính + nước thải) từ bể sinh học hiếu khí tuần hoàn. Với môi trường thiếu khí, quá trình phân huỷ hợp chất hữu cơ và khử Nitrat diễn ra nhờ các vi sinh vật sử dụng Nitrat, Nitrite làm chất oxy hóa để sản xuất năng lượng. Trong bể Anoxic, quá trình khử Nitrat sẽ diễn ra theo phản ứng:

6NO3 + 5CH3OH → 5CO2 + 3N2 + 7H2O + 6OH

Trong bể thiếu khí có lắp đặt thiết bị khuấy chìm nhằm tạo ra sự xáo trộn trong bể giúp bọt khí N2 (từ quá trình khử Nitrat) dễ dàng thoát lên khỏi mặt nước. Bể thiếu khí còn đóng vai trò là một hệ chọn lọc vi sinh hiếu khí để chống lại hiện tượng bùn nổi do vi khuẩn dạng sợi gây ra. Sau đó hỗn hợp bùn nước thải từ bể thiếu khí tiếp tục qua bể sinh học hiếu khí để khử các hợp chất hữu cơ COD, BOD5.

Bể sinh học hiếu khí vật liệu đệm: là nơi diễn ra quá trình phân huỷ hợp chất hữu cơ và quá trình nitrate hoá trong điều kiện cấp khí nhân tạo bằng máy thổi khí. Lượng khí cung cấp vào bể với mục đích: (1) cung cấp oxy cho vi sinh vật hiếu khí chuyển hóa chất hữu cơ hòa tan thành nước và CO2, nitơ hữu cơ thành ammonia thành nitrat NO3; (2) xáo trộn đều nước thải và bùn hoạt tính tạo điều kiện để vi sinh vật tiếp xúc tốt với các cơ chất cần xử lý; (3) giải phóng các khí ức chế quá trình sống của vi sinh vật, các khí này sinh ra trong quá trình vi sinh vật phân giải các chất ô nhiễm, tác động tích cực đến quá trình sinh sản của vi sinh vật.

  • Quá trình phân hủy hợp chất hữu cơ:

Trong bể sinh học hiếu khí các vi sinh vật (VSV) hiếu khí sử dụng oxi được cung cấp chuyển hóa các chất hữu cơ hòa tan trong nước thải một phần thành vi sinh vật mới, một phần thành khí CO2 và NH3 bằng phương trình phản ứng sau:

VSV + C5H7NO2 + 5O2 → 5CO2 + 2H2O + NH3 + VSV mới

  • Quá trình nitrate hóa:

Quá trình Nitrate hóa là quá trình oxy hóa các hợp chất chứa Nitơ, đầu tiên là Ammonia thành Nitrite sau đó oxy hóa Nitrite thành Nitrate. Quá trình Nitrate hóa ammonia diễn ra theo 2 bước liên quan đến 2 loại vi sinh vật tự dưỡng Nitrosomonas và Nitrobacter.

Bước 1: Ammonium được chuyển thành nitrite được thực hiện bởi Nitrosomonas:

NH4+ + 1.5 O2 → NO2–  +  2 H +  H2O

Bước 2: Nitrite được chuyển thành nitrate được thực hiện bởi loài Nitrobacter:

NO2 + 0.5 O2 → NO3

Bể hiếu khí có vật liệu đệm có dạng chữ nhật, hàm lượng bùn hoạt tính và nhu cầu oxy đồng nhất trong toàn bộ thể tích bể. Bể này có ưu điểm chịu được quá tải rất tốt. METCALF và EDDY (1991) đưa ra tải trọng thiết kế khoảng 0,8-2,0 kgBOD5/m3.ngày với hàm lượng bùn 2,500-4,000 mg/l, tỉ số F/M 0,2-0,6. Các giá thể – vật liệu tiếp xúc có diện tích bề mặt tiếp xúc 205m2/m3, là nơi để các vi sinh vật dính bám và phát triển.

Trong bể sinh học hiếu khí kết hợp quá trình bùn hoạt tính, các chất hữu cơ hòa tan và không hòa tan chuyển hóa thành bông bùn sinh học – quần thể vi sinh vật hiếu khí – có khả năng lắng dưới tác dụng của trọng lực. Dòng nước thải chảy liên tục vào bể sinh học hiếu khí, chảy qua bề mặt của giá thể tiếp xúc, đồng thời không khí cũng được cung cấp liên tục trong bể (oxy hòan tan DO>2mg/l), cung cấp oxy cho vi sinh phân hủy chất hữu cơ. Trong điều kiện đó vi sinh vật sinh trưởng, phát triển mạnh, tăng sinh khối mạnh và tạo thành các màng vi sinh vật có chức năng hấp thụ các chất hữu cơ và màu của nước thải.

Hỗn hợp bùn hoạt tính và nước thải gọi là dung dịch xáo trộn (mixed liquor), hỗn hợp này tự chảy sang bể lắng bùn sinh học.

Bể lắng bùn sinh học có nhiệm vụ lắng và tách bùn hoạt tính ra khỏi nước thải, làm giảm SS nên được thiết kế đặc biệt tạo môi trường tĩnh cho bông bùn lắng xuống đáy bể. Tại bể lắng, nước thải đi từ dưới lên trên qua ống trung tâm, bùn sẽ lắng xuống và được gom vào đáy bể. Bùn sau khi lắng có hàm lượng SS = 8.000-12.000 mg/L sẽ chảy về bể bơm bùn.

Từ đó, một phần sẽ bơm tuần hoàn trở lại bể sinh học hiếu khí (60-70% lưu lượng) để giữ ổn định mật độ cao vi khuẩn, tạo điều kiện phân hủy nhanh chất hữu cơ, đồng thời ổn định nồng độ MLSS = 3.000mg/L. Lưu lượng bùn dư thải ra mỗi ngày sẽ được bơm về bể phân huỷ bùn. Độ ẩm bùn hoạt tính dao động trong khoảng 98-99,5%. Phần nước trong sau lắng tự chảy qua bể khử trùng.

Bể khử trùng: Nước thải sau khi tách bùn được châm Chlorine khử trùng trước khi xả ra nguồn tiếp nhận. Chlorine, chất oxy hóa mạnh thường được sử dụng rộng rãi trong quá trình khử trùng nước thải. Hàm lượng chlorine cần thiết để khử trùng cho nước sau lắng là 3-15mg/L. Hàm lượng chlorine cung cấp vào nước thải ổn định bằng bơm định lượng hóa chất.

Phần nước sạch sau xử lý sẽ theo hệ thống thoát nước dẫn thẳng ra nguồn tiếp nhận đạt theo QCVN 28:2010/BTNMT (Cột A).

Nếu quý doanh nghiệp đang có nhu cầu tìm kiếm giải pháp tối ưu nhất để xây hệ thống xử lý nước thải phù hợp với hoạt động của công ty mình, hãy liên hệ ngay với  Công ty CP Kỹ thuật Môi trường và Xây dựng VINACEE Việt Nam để được tư vấn đầy đủ hơn.

Địa chỉ: Đội 1 Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội

Cơ sở 2: Số 6, Ngõ 1174 Đường Láng, Cầu Giấy, Hà Nội

VPGD:Số 27C ngõ 167/ Phố Tân Mai, Quận Hoàng Mai, Hà Nội

ĐT: 0988387885, 0974887369, 0942226986

Email: Vinaceeco@gmail.com

Website: Vinacee.com

Viết bình luận

Bạn đã gửi bình luận thành công. Xin cảm ơn!