Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong xử lý nước thải, chất thải chăn nuôi bền vững, hiệu quả
Thái Nguyên là tỉnh có tổng đàn gia súc, gia cầm đứng thứ 2 trong khu vực các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, với 650.000 con lợn, trên 90.000 con trâu, bò và 15,8 triệu con gia cầm. Sự tăng trưởng và phát triển của ngành chăn nuôi kéo theo sự gia tăng về lượng chất thải. Để xử lý hiệu quả chất thải, thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã áp dụng chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn, bước đầu cho thấy kết quả khả quan.
Nuôi 55 con bò, làm sao để xử lý hiệu quả lượng phân bò thải ra hằng ngày mà không gây ảnh hưởng đến môi trường luôn là trăn trở của gia đình anh Dương Văn Hồng, ở xóm Phú Xuân, xã Nga My (Phú Bình).
Gia đình anh Hồng đã áp dụng nuôi giun trùn quế để xử lý phân bò, sau khi tiêu hóa, giun sẽ thải ra phân có chứa các thành phần axit amin, giàu đạm. Không những vậy, phân giun quế còn chứa nhiều hỗn hợp vi sinh có hoạt tính cao, giúp cây trồng phát triển tốt và tăng khả năng cải tạo đất.
Anh Hồng chia sẻ: Vòng tuần hoàn chăn nuôi bò, dùng phân bò nuôi giun quế, rồi phân trùn quế lại làm phân bón để trồng cỏ, ngô làm thức ăn cho bò, giúp gia đình tôi tiết kiệm chi phí sản xuất, tạo ra những sản phẩm an toàn.
Gia đình anh Dương Văn Hồng, ở xóm Phú Xuân, xã Nga My (Phú Bình), xử lý chất thải chăn nuôi bằng giun trùn quế.
Không chỉ riêng anh Hồng, thời gian qua, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã áp dụng quy trình sản xuất tuần hoàn, sử dụng công nghệ phủ bạt, đệm lót sinh học, máy ép tách phân sản xuất phân hữu cơ, máy lọc sục khí, công nghệ vi sinh hữu hiệu, chế phẩm sinh học để xử lý chất thải...
Chất thải rắn được bà con thu gom, ủ vi sinh làm phân bón chè, lúa; chất thải lỏng được xử lý bằng biogas tạo khí đốt, nước thải sau biogas để tưới chè. Áp dụng mô hình này, đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh, giảm chi phí trong quá trình sản xuất, môi trường được bảo đảm.
Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 1.100 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và 200 nghìn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Với mục tiêu hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững, thân thiện môi trường, tỉnh khuyến khích bà con sử dụng chất thải, phế phẩm, phụ phẩm làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất khác, thông qua việc áp dụng công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý…
Ngoài ra, các địa phương cũng đã quy hoạch, bố trí đất đai dành cho phát triển chăn nuôi, di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực nội thị, đến vùng chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư, tạo điều kiện cho người dân đầu tư chăn nuôi khép kín, quy mô lớn, xây dựng hệ thống xử lý chất thải, chứa chất thải để sử dụng trong nông nghiệp.
Cùng với đó, người dân cũng đầu tư chăn nuôi khép kín, sử dụng chế phẩm sinh học, xử lý chất thải bằng hầm biogas, đệm lót sinh học, giun quế, ruồi lính đen... góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường, tăng khả năng kháng bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng đàn vật nuôi.
Với quy mô phát triển chăn nuôi như hiện nay, nếu nguồn chất thải chăn nuôi được thu gom, xử lý làm nguyên liệu đầu vào cho nuôi trồng thủy sản, trồng trọt và các hoạt động sản xuất khác thì sẽ mang lại hiệu quả cả về kinh tế, xã hội và môi trường.
Tuy nhiên, việc phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi vẫn còn hạn chế, như: Phương thức chăn nuôi tuần hoàn hiện mới chỉ áp dụng đồng bộ tại các mô hình trang trại tổng hợp; chăn nuôi quy mô nông hộ vẫn chiếm trên 60%, hệ thống chuồng trại tận dụng, không đồng bộ nên khó áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình chăn nuôi an toàn sinh học…(XEM THÊM)
Để xử lý hiệu quả chất thải chăn nuôi, bên cạnh các chính sách khuyến khích, cần có sự hợp tác liên kết trong sản xuất giữa mô hình gia trại và theo quy hoạch của từng địa phương…
Viết bình luận
Bạn đã gửi bình luận thành công. Xin cảm ơn!